Tử Vi Chỉ Có Thể Định Tính, Không Thể Định Lượng
15 tháng 10 năm 2024
Bài viết này với mục đích chứng minh một số yếu tố đo lường trong môn Tử Vi là hoàn toàn phi lý, hay nói cách khác để chứng minh quan điểm “Tử Vi chỉ có thể định tính, không thể định lượng”.
Mục lục
- Định tính - định lượng trong khoa Tử Vi
- Tử Vi là phương trình đa nghiệm
- Phân định giữa xấu và rất xấu, tốt và rất tốt
- Góc nhìn của Horos
- Tạm kết
Định tính - định lượng trong khoa Tử Vi
Nói đến định lượng là nói đến việc liệu có thể đo lường được mức độ ảnh hưởng của các sao trong Tử Vi hay không. Trong một số chuyên mục trên Internet, có rất nhiều bình luận và lời bàn cho rằng có thể dùng các con số để đo lường mức độ sao, điển hình như quan điểm về mức độ tác động của các sao khi ở bản cung, tam hợp, xung chiếu. Theo đó, quan điểm này cho rằng mức độ được phổ chiếu theo bảng sau:
Vị trí của sao | Mức độ tác động giả định của sao |
Bản cung | 100% |
Xung chiếu | 60% |
Tam hợp | 30% |
Bảng 1.1. Bảng thể hiện cho quan điểm giả định mức độ tác động các sao theo vị trí
Thực hư của việc định lượng này là như thế nào? Chúng ta vẫn được biết, để xét một cung vị, cần xét tam phương tứ chính của nó. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng của các sao được nhiều lý thuyết chấp nhận theo 3 mức độ định tính giảm dần từ bản cung đến xung chiếu rồi đến hai cung ở tam hợp. (Hai cung ở tam hợp có ảnh hưởng ngang nhau)
Có thể thấy, lý thuyết vốn được công nhận chính là yếu tố định tính trong Tử Vi. Khi dùng % để đo lường, cũng chỉ là một con số mang tính tương đối, bởi khi phản biện, câu hỏi đơn giản có thể đặt ra là: Vì sao lại là 60% mà không phải 65% hay 70%?
Không ai có thể trả lời được câu hỏi này, cũng không thể dẫn trích được nguồn gốc của việc ứng dụng định lượng vào Tử Vi. Bởi vậy, suy cho cùng, Tử Vi ở thời điểm hiện tại không thể định lượng, cũng không thể định tính.
Tử Vi là phương trình đa nghiệm
Một số học giả ứng dụng Tử vi với toán học, đã đưa ra nhận định rằng “Tử vi là phương trình đa nghiệm”, trong đó, kết quả hay xu hướng được hiểu là những nghiệm hay đa nghiệm, được xác định thông qua dữ liệu đầu vào - các hằng số bất biến.
Tuy nhiên, do các dữ liệu đầu vào thuộc dạng định tính mà không phải định lượng, ví dụ như khi nhập dữ liệu đầu vào là hành động gây nguy cơ thất bại, có thể làm gia tăng xu hướng thất bại chứ không thể khẳng định kết quả thất bại ngay được. Bởi các dữ liệu đầu vào là định tính, nên không thể giống như toán học, nói 1 + 1 = 2.
Yếu tố “đa nghiệm” phản ánh một dải những kết quả có khả năng cao xảy ra, chứ không cho thấy kết quả chính xác 100%. Vì vậy, mọi kết quả trong Tử Vi đều mang tính xu hướng, là định tính chứ không định lượng.
Phân định giữa xấu và rất xấu, tốt và rất tốt
Việc phân định giữa xấu và rất xấu, tốt và rất tốt hay khó khăn và rất khó khăn là một vấn đề nan giải trong khoa Tử Vi. Liệu rằng trong hai người một người trúng xổ số 10 tỷ và một người trúng xổ số 100 tỷ, ai sẽ là người tốt hơn?
Từ việc phân tích định tính và định lượng đã đưa ra phía trên, có thể thấy, rất khó để so sánh đâu là tốt hơn. Nếu một tỷ phú với 1000 tỷ trúng 100 tỷ, ông ta có thể coi đó là chuyện bình thường, có thêm cũng là tốt. Nhưng nếu một người vốn sống trong sự nghèo đói, nay lại trúng số 10 tỷ, thì ắt đó là “đại hỷ”.
Do đó, rất khó để phân định giữa xấu và rất xấu, tốt và rất tốt. Thông thường, ở góc nhìn luận giải, chỉ có thể đưa ra những điểm tốt, nhận định là tốt, chứ không thể “nói vống”, là rất tốt, hay thậm chí là có thể “phát” đến tận mây xanh. Ngược lại với xấu.
Không thể định lượng cũng đồng nghĩa với việc hai lá số giống nhau, không thể có cùng một kết quả giống nhau, mà chỉ có chung một xu hướng giống nhau. Việc một cá nhân có những hành động ứng đối với xu hướng đó hay không là tùy vào quyết định của mỗi người, lại tùy vào điều kiện và tiềm năng phát triển để định đoạt về kết quả đầu ra trong thực tế.
Góc nhìn của Horos
Horos tin rằng, việc bám sát vào kết quả định tính sẽ giúp người xem Tử Vi có góc nhìn khách quan hơn. Mặt khác, việc sử dụng góc nhìn định lượng thường chỉ mang tính chất tham khảo, để người tìm hiểu Tử Vi hiểu rõ hơn về phương pháp và cách vận dụng. Do đó, cần rất rõ ràng giữa định tính và định lượng để không rơi vào những thiên kiến, hoặc mê tín dị đoan như việc dùng Tử Vi như một công cụ đo lường các kết quả mà bản thân mong muốn.
Tạm kết
Để tăng độ chính xác của định tính trong Tử Vi sẽ là một thử thách rất lớn đối với các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, theo thời gian, khi có nhiều người nghiên cứu và phát triển bộ môn này hơn, Tử Vi có thể cho thấy những yếu tố định tính có độ chuẩn xác cao, phù hợp trong việc định hướng cũng như hướng con người đến những điều tốt đẹp.