Tiêu Tai Giải Nạn Có Thực Sự Như Những Gì Chúng Ta Nghĩ? Hiểu Đúng Về Sao Cứu Giải
1 tháng 10 năm 2024
Lấy Hóa Khoa làm ví dụ điển hình cho sao cứu giải, câu hỏi đặt ra là tại sao lại gán cho Hóa Khoa đặc tính “tiêu tai, giải nạn”. Liệu ngôi sao này có thực sự hóa giải tai, họa, hoạn, nạn hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn làm sáng tỏ.
Mục lục
- Các câu hỏi về sao cứu giải
- Lý giải về sự cứu giải
- Tượng của Hóa Khoa
- Tính cứu giải sẽ bộc lộ thế nào?
- Nguồn gốc của tiêu tai giải nạn
- Góc nhìn mở về sao cứu giải
- Tạm Kết
Các câu hỏi về sao cứu giải
Trước khi bàn về sao cứu giải, cần đặt ra những câu hỏi để quá trình suy lý rõ ràng hơn. Xin được viết ra để bạn đọc cùng tự suy ngẫm:
Vì sao nhiều người có sao cứu giải mà không thấy tiêu tai giải nạn? Tai nạn vẫn xảy ra, vậy sao cứu giải thực hiện chức năng của nó lúc nào?
Gặp tai và nạn nhưng tin rằng tai, nạn đã được giảm trừ nhờ sao cứu giải? Điều gì chứng minh được hay chỉ đơn thuần là lòng tin của chúng ta?
Tin rằng sao cứu giải tiêu tai giải nạn hay tin Phúc Đức ông bà tổ tiên để lại gánh cho? Tin vào cái nào hay tin cả hai?
Lý giải về sự cứu giải
Lấy Hóa Khoa đại diện cho các sao cứu giải trên lá số Tử Vi để lý giải, bởi sao hóa này còn được mệnh danh là “Đệ Nhất Giải Thần”.
Tượng của Hóa Khoa
Trước hết, nói tới Hóa khoa ta đều biết nó gắn với các tính chất như tăng về danh tiếng, tăng về năng lực thi cử học thuật, tăng về tài năng,...
Chữ “Khoa” có nhiều nghĩa, chúng ta sẽ thử cắt một số nghĩa của từ Khoa để hiểu rõ về Hóa Khoa.
Khoa trong từ khoa trương. Khoa trương là sự thể hiện, là bộc lộ ra bên ngoài. Khi hóa khoa thì cái ý tứ của sự rõ ràng, minh bạch được thể hiện mạnh hơn. Ví như Thái Âm Hóa Khoa thì sự thụ động và cái tâm tính toán không còn ẩn ở bên trong mà thể hiện ra bên ngoài. Mà sự tính toán của Thái Âm rất cẩn thể hiện ra bên ngoài, vì khi đó nó mới từ suy nghĩ thành hành động được. Vì vậy, Thái Âm Hóa Khoa thường tốt đẹp nhờ danh tiếng, tài năng, bởi chính là thể hiện cho cái tài năng ẩn bên trong được bộc lộ ra ngoài.
Chữ Khoa trong khoa học - thực tế khoa học là từ ghép của từ “khoa” và từ “học” - ý nói cái tri thức, lĩnh hội dẫn lối cho sự tốt đẹp (khoa có nghĩa là tốt đẹp). Vì vậy, khi Hóa Khoa thì thường am hiểu, hiểu biết, bởi học tập tốt hơn mà có kiến thức hơn. Khi có kiến thức thì suy nghĩ và hành vi cũng phù hợp với xu thế của thời đại mà tiến lên.
Chữ Khoa trong Khoa cử - ý nói sự tốt đẹp trong thi cử và thăng tiến. Khi hóa khoa, đều cho thấy khả năng học tập tăng, vững vàng về chuyên môn mà nhờ đó có mang lại năng lực thi cử, kết quả thuận lợi. Như Văn Xương Hóa Khoa, lại một dạng cấp số nhân của năng lực học tập, do đó mà danh tiếng và chuyên môn đều được thăng hoa.
Tính cứu giải sẽ bộc lộ thế nào?
Như cắt nghĩa ở trên, Hóa Khoa giống như chả liên quan gì đến chuyện được quý nhân giúp đỡ. Nhưng nếu để ý kỹ bạn sẽ dễ thấy tính lý luận của nó.
Hóa Khoa chủ về thành công, danh tiếng, được biết đến. Càng nhiều người biết đến thì khi gặp nạn, cơ hội được giúp đỡ càng cao.
Hóa Khoa chủ về tri thức, lại càng thể hiện ý vị của việc được người khác giúp đỡ. Người có tri thức thì thường tìm cách nhanh nhất giải quyết vấn đề. Vấn đề có thể giải quyết một mình thì rõ ràng tri thức có thể giải quyết được, nhưng vấn đề đòi hỏi người khác giúp đỡ, thì lại cho thấy sử dụng tri thức để kết nối với cộng đồng nhằm tìm kiếm giúp đỡ.
Vậy dễ thấy, không phải tự dưng Hóa Khoa là sẽ có người giúp đỡ. Hóa Khoa đều có ý vị của việc có sự kết nối trong cộng đồng hoặc có tri thức để kết nối với người giúp đỡ mình nên mới dễ được quý nhân giúp đỡ. Do đó, nếu bạn đóng chặt cánh cửa trái tim, chẳng bận tìm đến người khác, thì cái Hóa Khoa lại thể hiện khả năng bạn tự tìm tri thức để giải quyết vấn đề.
Nguồn gốc của tiêu tai giải nạn
Cắt nghĩa Hóa Khoa xong xuôi, ta đã thấy được nguồn gốc Tiêu tai giải nạn và được quý nhân giúp đỡ, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ để trả lời cho 3 câu hỏi trên.
Ta sẽ đi lý giải từng câu hỏi đã đặt ra:
1. Vì sao nhiều người có Hóa Khoa mà chả thấy tiêu tai giải nạn gì cả? Tai nạn vẫn xảy ra, vậy Hóa Khoa thực hiện chức năng của nó lúc nào?
Cần phải hiểu đúng về tiêu tai giải nạn. Tai họa hoạn nạn có hai dạng, một là không có chủ ý và hai là có chủ ý.
Dạng có chủ ý:
Cái gọi là tai, họa, hoạn, nạn có chủ ý là bởi chúng xuất hiện do cái tâm mưu cầu vì bản thân. Ví dụ, biết có rủi ro lớn và có thể nợ nần, nhưng vẫn cố làm. Biết là gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, nhưng vì lợi ích bản thân vẫn làm. Khi gây ra hậu quả, Hóa Khoa thể hiện cho quá trình bản thân thay đổi nhận thức, rằng đã biết được hậu quả để ngừng hành động sai phạm, và tìm kiếm sự trợ giúp. Tuy nhiên, quý nhân chỉ xuất hiện khi bạn thực sự hiểu ra lỗi lầm của bản thân và giống như một sự ăn năn hối lỗi từ tận đáy lòng rằng bạn sẽ không vi phạm nó.
Nói cách khác, liệu có ai sẵn sàng giúp bạn lần thứ hai khi biết bạn mắc cùng một lỗi? Câu trả lời là không. Ai cũng phải bước tiếp và cái tri thức của Hóa Khoa là để bước tiếp chứ không phải để quay lại một lỗi lầm đã cũ.
Do đó, lý do bạn không thể tận dụng được Hóa Khoa chỉ đơn giản là bạn vẫn còn giữ cái tâm mưu cầu tư lợi cho bản thân và hậu quả vẫn tiếp diễn. Ví như kẻ nghiện cờ bạc, Hóa Khoa có lẽ đã đến một vài lần giúp anh ta, nhưng vì cái tâm không cải biến, “ngựa quen đường cũ”, nên dần chẳng còn ai giúp anh ta nữa.
Dạng không có chủ ý
Ta thường thấy tai, họa, hoạn, nạn không có chủ ý thường do các yếu tố ngoại cảnh như thiên tai, bão lũ,... Lúc này, Hóa Khoa cũng thể hiện cho cái tri thức của chúng ta.
Làm thế nào để lợi dụng hoàn cảnh vượt qua khó khăn? Tri thức.
Làm thế nào để kết nối và tìm kiếm sự trợ giúp? Cũng là tri thức.
Nếu co cụm trong hoàn cảnh khó khăn, bạn phải tự mình đương đầu. Khi không thể cố gắng được, bạn sẽ bị hoàn cảnh xấu cuốn đi. Vì vậy, người ta mới khuyên, khi gặp nạn thì phải “gào càng to càng tốt”. Sẽ có người biết đến, cái “danh” lúc này càng nổi, lại càng có nhiều người có năng lực tới giúp.
Nhưng bởi vì nó là yếu tố khách quan, nên bạn chỉ cần giữ được tâm trong sạch, hướng tới vì lợi ích chung, thì Hóa Khoa lại phát huy tác dụng rất mạnh.
Hai dạng tai, họa, hoạn, này đã có thể giải thích phần nào cho câu hỏi vì sao có Hóa Khoa nhưng không thể tiêu tai giải nạn. Còn lại sẽ phải nhìn cách cục. Nếu cách cục quá xấu, hậu quả xấu diễn ra khiến bản thân khó chống đỡ được hoặc bản thân không đủ lực để chống đỡ trước khi sự cứu giải tới, thì sự cứu giải cũng là vô nghĩa.
2. Bị tai nạn nhưng tin rằng tai nạn đã được giảm trừ nhờ Hóa Khoa? Điều gì chứng minh được hay chỉ đơn thuần là lòng tin của chúng ta?
Nếu chỉ tin vào việc Hóa Khoa giúp giảm trừ hậu quả của tai nạn thì có lẽ là một quan niệm duy tâm. Vậy phải lý giải thế nào?
Hóa Khoa có tính danh tiếng, có sự tốt đẹp, có tính khoa học. Những cái tốt đẹp, những cái được khoa học kiểm nghiệm về tính kết quả thì sẽ có rất ít rủi ro, ít sai lệch. Ví dụ như xà phòng được kiểm nghiệm diệt khuẩn đến 99,99%, vậy thì xà phòng cũng được ví như một dạng Hóa Khoa với những môi trường bẩn thỉu, ô nhiễm vậy.
Do đó, khi có tri thức và tiếp xúc với những yếu tố khoa học, cũng đồng nghĩa bạn giảm được những rủi ro và nguy cơ của tai và nạn. Vì vậy nếu dùng Hóa Khoa để giảm trừ hậu quả của tai nạn, không phải là việc chờ quý nhân tới giúp mình tiêu tai giải nạn, mà phải là dùng cái tri thức, cái tâm khoa học để giảm thiểu các rủi ro trong cuộc sống.
3. Tin rằng Hóa Khoa tiêu tai giải nạn hay tin Phúc Đức ông bà tổ tiên để lại gánh cho? Tin vào cái nào hay tin cả hai?
Để trả lời câu hỏi trên, có lẽ nên bắt đầu từ việc đặt câu hỏi: “Bạn theo quan điểm duy tâm hay duy vật”
Ở góc nhìn duy tâm, những thứ ta cho rằng sẽ phản ánh cái mà ta nhận thức. Ta cho rằng nó là đẹp, thì ta nhận thức nó đẹp. Ta cho rằng ta may mắn, thì ta nhận thức nó là may mắn. Không có đúng sai trong quan điểm về duy tâm.
Với quan điểm về duy vật thì rõ ràng tính đúng sai hơn. Kết quả phản ánh quá trình nhận thức. Hóa Khoa dùng tới tri thức để giảm rủi ro, kết quả là tránh được rủi ro. Không dùng tri thức để giảm rủi ro, kết quả là ít khả năng tránh được rủi ro.
Nên dù bạn tin là Hóa Khoa giúp tiêu tai giải nạn, hay thực tế do ông bà tổ tiên gánh, thì cũng đều là từ nhận thức của bạn. Vẫn là không có đúng sai. Hóa Khoa sẽ chỉ có thể giải thích được rõ ràng hơn, khi chúng ta gắn nó vào một yếu tố rõ ràng, cụ thể trong cuộc sống mà không phải là một yếu tố trừu tượng hay có tính tâm linh như “niềm tin” hay “may mắn”.
Góc nhìn mở về sao cứu giải
Hóa Khoa hay bất kỳ sao cứu giải nào để không phải xóa bỏ hoàn toàn tai, họa, hoạn, nạn mà con người gặp phải. “Có nhân ắt có quả”, vì vậy, cớ sao cho rằng gieo gió thì có thể thoát khỏi bão?
Vì vậy, dù là các sao có tính cứu giải như Giải Thần, Thiên Giải, Địa Giải, Thiên Khôi, Thiên Việt,... đều sẽ không khiến bạn thoát khỏi quy luật nhân - quả. Theo đó, phải tùy thuộc vào phương pháp cứu giải của mỗi sao mà vận dụng, mới đạt được hiệu quả cứu giải tốt nhất.
Tạm Kết
Trên thực tế, để viết về sao cứu giải còn nhiều điều có thể khám phá. Tuy nhiên, sự cứu giải không thể vượt ra khỏi những quy luật của cuộc sống, cũng không thể giống như chuyện “thần tiên” được. Vì vậy, ở góc nhìn hiện đại, cứu giải mang ý nghĩa của của những phương án giải quyết vấn đề.