Sự Định Hình của Tam Hợp Phái
12 tháng 9 năm 2024
Tam hợp phái lấy tử vi truyền thống làm chính tông. Sự khác biệt của chính tông thường có hệ thống toàn vẹn vì được phát triển trong Khâm Thiên Giám, nơi chuyên nghiên cứu khí tượng, thiên văn của triều đình và thường xuyên được ứng dụng để xem cho quan, vua.
Mục lục
- 1. Lịch sử hình thành và phát triển TAM HỢP PHÁI
- 2. Sự khác biệt giữa tử vi chính tông và dân gian (~1399)
- 3. Nguồn gốc một thầy một trò (~1402)
- 4. Những vị truyền nhân cuối cùng (~1810)
- Hiện đại và cận hiện đại
- Thập Niên 50: Lục Bân Triệu, Vương Đình Chi - Trung Châu phái
- Thập niên 70–80: Phái Tử Vân
- Thập niên 80-90: Hiện đại phái
- 5. Góc nhìn HOROS
Tóm tắt |
---|
Sự định hình của Tử Vi Đẩu Số và Tam Hợp Phái Tử Vi Đẩu Số, một hệ thống mệnh lý lâu đời, đã trải qua ngàn năm phát triển với nhiều nhánh phái khác nhau. Một số phái giữ được tinh hoa từ Tử Vi Đẩu Số Toàn Tập và Toàn Thư, trong khi một số khác cải cách sâu rộng hoặc kết hợp với các môn thuật khác. Sự phát triển này dẫn đến sự phân hóa giữa các trường phái chính thống và dân gian, đặc biệt khi Tam Hợp Phái đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính tông. Tam Hợp Phái và Tử Vi Chính Tông Tam Hợp Phái, bắt nguồn từ thời Tống, đã phát triển mạnh mẽ trong cung đình thông qua Khâm Thiên Giám – cơ quan chuyên nghiên cứu thiên văn và mệnh lý. Sự bảo trợ từ triều đình giúp Tam Hợp Phái duy trì tính chính tông, trở thành nền tảng của Tử Vi Đẩu Số, ngay cả khi có những biến cố lịch sử như thời kỳ nhà Minh. Biến Cố Lịch Sử và Những Truyền Nhân Cuối Cùng Vào thời nhà Minh, sự truyền thừa trong Tam Hợp Phái trở nên khép kín, chỉ truyền từ thầy sang trò duy nhất. Tuy nhiên, các học giả đời sau như Du Chính Tiếp đã tiếp tục phát triển và bảo tồn kiến thức này, giúp Tam Hợp Phái tồn tại và phát triển đến thế kỷ 20 qua các đại sư như Lục Bân Triệu và Vương Đình Chi. Góc Nhìn của HOROS HOROS không chỉ học hỏi từ các bậc thầy của Tam Hợp Phái mà còn phát triển phương pháp luận giải riêng, kết hợp giá trị truyền thống với cách tiếp cận hiện đại. Mục tiêu của HOROS là mang đến những luận giải mệnh lý chính xác, hữu ích và phù hợp với nhu cầu của người dùng hiện nay. |
1. Lịch sử hình thành và phát triển TAM HỢP PHÁI
Khởi nguồn - Thời nhà Tống
Nguồn gốc: Trung Châu, Lạc Dương
Tổ sư: Bạch Ngọc Thiềm và Ngô Cảnh Loan
Bạch Ngọc Thiềm (1194 ~ 1229) là đạo sĩ Nam Tống, vốn tên họ là Bát Trường Canh tự là Như Hối, còn có tên khác là Bạch Tẩu, hiệu là Hải Nam Ông hay Quỳnh Đạo Sơn Nhân. Và về sau được phong hiệu là ,,,,,,,Tử Thanh tiên sinh.
Ngô Cảnh Loan, tự là Trọng Tường, theo truyền thuyết tổ phụ của ông là Ngô Pháp Vượng là Quốc sư kham dư thời Nam Đường. Cha của Ngô Cảnh Loan là Ngô Khắc Thành. Sau chính là học trò của Hi Di Trần Đoàn (Trần Đoàn Lão Tổ). Về sau Ngô Cảnh Loan học được bí quyết từ những di thư của cha, đồng thời cũng bái nhiều vị danh sư khác. Công với tư chất và nỗ lực, ông đã trở thành một bậc tông sư phong thủy.
2. Sự khác biệt giữa tử vi chính tông và dân gian (~1399)
Giai đoạn cuối thời kỳ chấp chính của Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ), vị vua khai quốc triều Minh này đã hạ lệnh cấm dân gian không được học thiên văn, trở thành khoa mệnh lí được dùng riêng trong hoàng thất, do Khâm Thiên Giám là nơi quản lý thiên văn lịch pháp chấp chưởng. Cho nên giai đoạn này các môn mệnh lý học dần bị chìm trong bóng tối. Mãi đến thời Gia Tĩnh Thứ 26 (năm 1547) luật cấm học thiên văn mới được gỡ bỏ. Vì yếu tố hoàn cảnh thời đại, Đẩu Số bị khoác lên một bức màn che, làm tăng vẻ thần bí của nó.
Đây chính là giai đoạn dần tạo nên sự khác biệt rõ rệt giữa Tử Vi chính tông và dân gian. Trong khi Tử Vi chính tông được triều đình bảo trợ, liên tục phát triển và được sử dụng để phục vụ cho tầng lớp hoàng gia và quý tộc, thì Tử Vi dân gian lại gặp phải nhiều trở ngại. Việc cấm dân chúng học thiên văn và các môn mệnh lý học khiến cho sự phát triển của Tử Vi dân gian bị ngắt quãng. Nhiều yếu tố quan trọng trong việc nghiên cứu và truyền dạy bị thất truyền hoặc không được phát triển đầy đủ. Điều này dẫn đến sự suy giảm cả về mặt tri thức và ứng dụng trong cộng đồng dân gian, khiến Tử Vi ở mức dân dã trở nên mơ hồ, xa rời so với phiên bản được duy trì trong triều đình.
3. Nguồn gốc một thầy một trò (~1402)
Vẫn trong thời nhà Minh, phái Trung Châu (tử vi chính tông) xảy ra biến cố.
Xuôi dòng về lịch sử, đây là câu chuyện về việc truyền ngôi vua của Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ). Ngày ấy, Thái Tử Chu Tiêu mất sớm, khiến vị trí thừa kế bị bỏ trống. Lúc này, Yên Vương Chu Đệ (con thứ 4 của Hoàng đế) tới tìm tổ sư của phái Trung Châu để nhờ xem ai sẽ là vua: kết quả luận rằng chính ông sẽ lên ngôi Hoàng đế. Tuy nhiên, khi sắp băng hà, thay vì cân nhắc truyền ngôi cho các con, thì Minh Thái Tổ lựa chọn Hoàng thái tôn (cháu) Chu Kiến Văn (Kiến Văn Đế) trở thành người kế thừa ngai vàng. Tức giận Thái Tổ truyền ngôi cho cháu mà không cho con, Yên Vương bèn xuất binh tấn công Nam Kinh, bức Kiến Văn Đế phải bỏ chạy. Từ đây, Yên Vương lên ngôi Hoàng đế (Vĩnh Lạc Hoàng đế).
Sau khi lên ngôi, Vĩnh Lạc nhớ lại lời đoán của tổ sư phái Trung Châu, bèn phái người mời tổ sư đến Nam Kinh, ban cho bổng lộc nhưng cấm tổ sư không được đoán mệnh cho người khác nữa. Đại khái từ đó, quy luật một thầy một trò bắt đầu từ thời gian này. Mỗi đời chỉ thu nhận 1 đệ tử và truyền khẩu quyết cho nhau.
4. Những vị truyền nhân cuối cùng (~1810)
Dấu vết về "tử vi chính tông" ngày càng mờ nhạt theo dòng chảy của thời gian. Trong đó, danh tính về những vị truyền nhân cuối cùng càng trở nên khan hiếm, bí ẩn, trong đó tiêu biểu còn sót lại là Du Chính Tiếp.
Du Chính Tiếp (1775-1840), ông là học giả nổi tiếng đời nhà Thanh, tự là Lí Sơ người tỉnh An Huy. Ông sinh vào thời Cao Tông, niên hiệu Càn Long thứ 40. Từ nhỏ ông đã có tính hiếu học, hễ thấy sách là đọc. Ông nghiên cứu đủ mọi lĩnh vực từ Nho giáo, sử học, thiên văn, y thuật, đến Đạo giáo và Phật giáo. Đặc biệt là thiên văn và lịch pháp, ông còn nghiên cứu cả lịch pháp phương tây.
Họ Du nhiều đời học thiên văn làm chức quan nhỏ ở Khâm Thiên Giám nhà Thanh. Theo lời kể của Vương Đình Chi, thầy của ông chính là truyền nhân của Du Chính Tiếp.
Hiện đại và cận hiện đại
Tiêu biểu: Lục Bân Triệu, Vương Đình Chi, Tử Vân, Liễu Vô Cư Sỹ, và nhiều nhánh phái khác.
Tử Vi đẩu số của giai đoạn cuối thế kỷ 20 có rất nhiều nhân tài đua nhau xuất hiện. Và phương pháp luận đoán cũng được cải tiến nhưng vẫn dựa vào nền tảng của tam hợp phái. Một phần vì Tử Vi đẩu số vẫn có những thiên kiến thuộc về kinh nghiệm cá nhân không như Tứ Trụ, từ đó, không có khuôn khổ giới hạn nội dung luận đoán một cách rõ rệt.
Thập Niên 50: Lục Bân Triệu, Vương Đình Chi - Trung Châu phái
Lục Bân Triệu là người được cho rằng đã kế thừa khoa Tử Vi Đẩu Số bí truyền, sở đắc Khâm Thiên Giám bí cấp. Về phương diện luận đoán ông thậm chí còn được người ta ca tụng là vị tiên sống. Ông là người có tinh thần khoa học, hiếm khi đề cập đến các yếu tố kì bí mà coi trọng tính thực tế trong luận đoán. Các bài giảng của Lục Bân Triệu sau được liệt vào hàng kinh điển. Vương Đình Chi cũng lấy tài liệu giảng nghĩa của Lục Bân Triệu để bình chú thêm.
(Vương Đình Chi)
Vương Đình Chi tự nhận mình là hậu nhân thuộc phái hệ của Lục Bân Triệu tức phái Trung Châu. Cho rằng, thầy ông chính là truyền nhân của Du Chính Tiếp (như đã nhắc ở trên). Tuy nhiên, sau này Vương Đình Chi cũng có những quan điểm trái khác so với Lục Bân Triệu ví dụ như tử vi là thực tinh hay hư tinh; quan điểm về giờ sinh, tiết khí và địa lý (bài này sẽ được HOROS viết sau).
Thập niên 70–80: Phái Tử Vân
Tử Vân trước bái lão sư Hà Mậu Tùng làm thầy, tuy nhiên phần lớn các kiến thức của ông dựa vào các thư tịch mà tự nghiên cứu. Sau hơn 30 năm nỗ lực phát triển khía cạnh học thuật và chiêm nghiệm ông tự lập ra môn phái của mình. Ngày nay tên tuổi của ông ở Đài Loan được cho là ngang hàng với Vương Đình Chi ở Hongkong.
Phần lớn các kiến thức của Tử Vân đều được xây dựng trên cơ sở của Tam Hợp Phái truyền thống hay chính tông. Một trong những thành tựu của Tử Vân được giới Tử Vi Đài Loan, Hongkong, Singapore ngưỡng mộ là thuyết “Thái Tuế nhập quái” và nguyên tắc “tương khê” – đang được HOROS nghiên cứu để ứng dụng xem về tương hợp trong tương lai.
Thập niên 80-90: Hiện đại phái
Nhân vật đại diện của hiện đại phái là Liễu Vô Cư Sỹ, tên thật của ông là Hoàng Trung Lâm và ông chính là học trò của Tử Vân. Nhưng vì ông kiên trì với quan điểm của mình nên tự sáng lập một phái riêng. Liễu Vô Cư Sỹ đã từng xem cho rất nhiều chính trị gia, doanh nhân người Đài Loan và Hongkong. Ngày nay tên tuổi của ông ở Đài Loan cũng rất lớn, thậm chí còn được coi là nhân vật trí thức đại diện cho mệnh lý truyền thống ở Đài Loan.
(Liễu Vô Cư Sỹ)
Một trong những tác phẩm kinh điển của ông là cuốn “Tử Vi luận mệnh” và bộ “Tử vi Hiện Đại” - rất khó tìm ở thị trường Việt Nam. Hiện Đại phái bác bỏ phương pháp kết hợp Tử Vi và Tử Bình, tách bạch rõ ràng Tử Vi ra Tử Vi và Tử Bình là Tử Bình. Trong cuốn Tử Vi luận mệnh của ông còn phê phán các tác phẩm của đại sư thời đó bằng những luận chứng của mình. Đương nhiên cũng gây ra nhiều tranh cãi trong giới. Hệ thống luận đoán của ông tuy sử dụng ít sao nhưng lại có tính biến hóa và tính chính xác cao. Trong đó, phần lớn chỉ sử dụng 28 sao gồm 14 chính tinh, 6 cát tinh, 6 sát tinh, Hóa Lộc và Hóa Kỵ. Thậm chí đề xuất bỏ Hóa Quyền, Hóa Khoa, Thiên mã và Lộc tồn.
5. Góc nhìn HOROS
Tử Vi là một môn học rộng lớn, đa dạng với nhiều nhánh phái khác nhau, mỗi phái có cách tiếp cận riêng. Tam Hợp Phái là một nền tảng quan trọng, giúp Tử Vi phát triển bền vững qua nhiều thế kỷ. Những gì đã được giới thiệu chỉ là một khía cạnh nhỏ được xây dựng trên nền tảng của Tam Hợp Phái. Ngoài ra, còn có các phái như Bắc phái, nổi bật với Hoa Sơn Tứ Hóa, và Hà Lạc với những quan điểm đa dạng.
HOROS đã học hỏi rất nhiều từ những bậc đại sư của Tam Hợp Phái, tiêu biểu như Lục Bân Triệu, Vương Đình Chi, Tử Vân, Liễu Vô Cư Sỹ, và Tuệ Tâm Trai Chủ. Chúng tôi tiếp thu tinh hoa từ họ, đồng thời phát triển các phương pháp luận giải riêng phù hợp với thời đại mới, kết hợp giá trị truyền thống với góc nhìn hiện đại.
Tác giả: Team Luận giải HOROS