Các sao phụ quan trọng trong môn tử vi
18 tháng 9 năm 2024
Chúng ta đều biết trong khoa Tử Vi có 14 chính tinh trọng yếu, là các sao “chính”; và ngoài 14 chính tinh ra, có đến hơn 80 sao khác, với vai trò “phụ”. Vậy nên, câu hỏi đặt ra là dựa vào đâu để xác định được tầm quan trọng của các sao phụ này?
Trên thực tế, không có tiêu chí nào để phân định tầm quan trọng của các sao, bởi người viết không có khả năng truy tìm về quá khứ và đặt câu hỏi với những bậc vĩ đại đã sáng lập ra những ngôi sao trong môn Tử Vi, rằng vì sao họ lại có sự sắp đặt như vậy. Thứ mà chúng ta chứng minh sẽ dựa trên chính những lý thuyết mà các tác giả lớn, hay những nhà Tử Vi học có danh tiếng đã vận dụng.
Hãy cùng người viết bắt đầu hành trình tìm các sao phụ quan trọng trong Tử Vi ngay dưới đây nhé!
Để bắt đầu, hãy tìm về lý thuyết của “Tam Hợp Phái” với nhà Tử Vi học nổi tiếng Hồng Kông là Vương Đình Chi. Cuốn sách “Trung Châu Tử Vi Đẩu Số - Tam Hợp Phái” thể hiện cho những kiến thức thâm sâu, uyên bác mà nhà Tử Vi này để lại cho đời, được dịch bởi tác giả Nguyễn Anh Vũ.
Lướt qua mục lục của sách, trước hết hãy xét tập 1. Ta thấy ngay việc phân loại các sao đối với Tam Hợp Phái theo một thứ tự quan trọng từ trên xuống:
Chính tinh: 14 sao
Phụ tá diệu:
Sát tinh
Tứ hóa diệu
Tạp diệu
Lưu diệu
(Mục lục trong Chương 3: Tính tình của các sao - 3.1. Tóm tắt về trư tinh hỉ kị)
Tiếp tục, nếu nhìn sang Tập 2, bạn sẽ thấy việc sắp xếp các chương có ý đồ rất rõ ràng trong việc phân cấp tầm quan trọng.
Chương 1: Chính diệu luận
Chương 2: Phụ tá sát hóa diệu luận
Chương 3: Tạp diệu luận
Từ mục lục và cách phân bố hệ thống kiến thức, thông tin, ta thấy được chính tinh luôn là những sao quan trọng nhất, kế đó là các phụ tá sát hóa diệu, và cuối cùng là tạp diệu.
Bạn vẫn chưa tin phải không? Hãy đi sâu vào nội dung, bạn sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.
Trong tập 1, chương 1, tiết 1.5 - Tầm quan trọng của phương pháp an sao, trang 38 có viết:
Quan điểm của phái Trung Châu là không nên lệ thuộc vào bảng tra phép an sao, vì ngoại trừ khuyết điểm không cách nào thuộc lòng các tổ hợp tinh hệ, còn bị một tệ hại khác, đó là dễ bị sự phân loại “Giáp cấp tinh” (sao cấp 1), “Ất cấp tinh” (sao cấp 2)… cho đến “Mậu cấp tinh” (sao cấp 5), tạo ấn tượng gây ảnh hưởng đến cách luận đoán. Bởi vì có lúc cả một tinh hệ, thường sẽ vì hội hợp một sao thuộc “Mậu cấp tinh” mà thay đổi tính chất cả toàn bộ tinh hệ.
Trong khi người học dễ bị cấp số quá thấp của sao mà dẫn đến ngộ nhận, như không xem trọng “Mậu cấp tinh”. Lục Bân Triệu truyền thụ phép “an sao”, không phân cấp số, là thuộc truyền thống phái Trung Châu, đương nhiên khác với Trương Khai Quyền.
Như đã thuật ở trước, phái Trung Châu Vương Đình Chi không phân chia thành các cấp sao, lúc an sao cũng không theo thứ tự hệ năm, hệ tháng… Thoạt nhìn có vẻ lộn xộn, nhưng khi an sao theo một thứ tự nhất định sẽ có ưu điểm là vừa an sao vừa quan sát theo thứ tự, trình bày tinh bàn vừa xong là đã có một ấn tượng đại khái. Ví dụ như sau khi an 14 chính diệu trong “Hệ sao Tử Vi” và “Hệ sao Thiên Phủ”, lập tức an 6 sao “Tả Phụ Hữu Bật, Văn Xương Văn Khúc, Không Kiếp”, sau đó lập tức an “tứ hóa diệu”, khung cấu tạo cả tinh bàn đã thành hình. An sao một loạt sau đó chỉ là biểu thị sự mạnh thêm hoặc yếu đi của tính chất cơ bản. Như sau khi an Thiên Khôi, Thiên Việt, liền an Lộc Tồn và tứ sát (tức Hỏa Tinh, Linh Tinh, Kình Dương và Đà La), sau đó an Thiên Quan, Thiên Phúc, là có thể có ấn tượng khái quát về “quan” và “lộc” của người đó. Cho nên, thuộc lòng thứ tự an sao của phái Trung Châu Vương Đình Chi sẽ trợ giúp khá nhiều trong việc nhận thức tinh bàn.
Trong nội dung này, ta thấy có ba điểm đáng chú ý. Một là phương pháp vận dụng sao của Tam hợp phái không phân cấp các sao, nhưng thông qua cách mô tả, có thể thấy nhóm các sao phụ-tá-sát-hóa diệu có ảnh hưởng trong việc định hình “khung cấu tạo của cả tinh bàn”. An các sao khác thường mang tính “biểu thị sự mạnh thêm hoặc yếu đi của các tính chất cơ bản”. Khi nắm rõ điều này, ta thấy mức độ tập trung vào các sao phụ-tá-sát-hóa diệu có vai trò quan trọng trong việc nhận thức tinh bàn.
Tiếp đó, những bí truyền của Vương Đình Chi đã nhấn mạnh vào việc vận dụng nhóm sao phụ-tá-sát-hóa diệu nhằm đưa ra những luận đoán xu hướng của tinh bàn. Trong chương 3, tập 1 viết về tính tình của các sao, ngay ở đoạn giới thiệu tác giả đã viết: “...Như người có Tử Vi đóng ở cung mệnh, trong cung mệnh vốn có các sao sát, không, lúc vận trình đi đến cung vị Thái Âm toạ mệnh, như vậy không thể đoán là tư tưởng siêu thoát, mà phải đoán là hay giở trò thủ đoạn...” (Trung Châu Tử Vi Đẩu Số - Tam Hợp Phái, tập 1, chương 3, tiết 3.1, trang 122)
Ở đoạn, nếu bạn để ý kỹ, tác giả có ý đồ rất rõ ràng trong việc sử dụng các sao Sát Không để luận đoán thế cục của người có Mệnh Tử Vi. Sát được hiểu là sát tinh, Không được hiểu là các sao Địa Không, Địa Kiếp.
Tại sao tác giả không nhắc đến tạp diệu, hoặc nhìn tổng thể xuyên suốt trong hai quyển sách, các kiến thức gắn với chính tinh rất ít khi xuất hiện sức ảnh hưởng của tạp diệu? Phải chăng mức độ ảnh hưởng của tạp diệu là không quá lớn hay phải chịu các điều kiện đặc thù nào mới có thể đưa tạp diệu vào? Điều này sẽ được minh chứng ở trong một bài viết khác. Còn hiện tại, chúng ta hãy tiếp tục đào sâu hơn vào nội dung của sách.
Vẫn trong tập 1, chương 3, tiết 3.1.3., trang 127-128, khi bàn về sao Thái Dương, tác giả Vương Đình Chi viết:
“Thái Dương là chủ tinh của Trung Thiên, do đó cùng dạng với Tử Vi, thích “bách quan triều củng”, ưa được các sao quý hỗ trợ như Tả Phù, Hữu Bật, Thiên Khôi, Thiên Việt, Văn Xương, Văn Khúc, Tam Thai, Bát Tọa, Ân Quang, Thiên Quý hội chiếu…”
Hãy để ý kỹ trong giải thích trên, và khi đọc hết toàn bộ hai tập của bộ sách “Trung Châu Tử Vi Đẩu Số - Tam Hợp Phái”, bạn sẽ thấy có sự lặp đi lặp lại của rất nhiều lần nhắc lại về các nhóm sao phụ trợ “Tả Phù, Hữu Bật, Thiên Khôi, Thiên Việt, Văn Xương, Văn Khúc” còn với các sao sát tinh sẽ là “Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh, Địa Không, Địa Kiếp”, sao hóa diệu (tứ hóa) gồm “Lộc Quyền Khoa Kỵ”, và các sao như Lộc Tồn, Thiên Mã.
Đây cũng chính là mấu chốt để chúng ta phát hiện ra cách vận dụng các sao của Trung Châu Tam Hợp Phái. Để giúp bạn đọc không mất thời gian đọc hết toàn bộ hai tập chỉ để tìm minh chứng, dưới đây, người viết sẽ liệt kê nhiều trích đoạn đại diện gắn với những giải thích có nhắc đến nhóm các sao trên.
Tập 1, chương 3, tiết 3.1.6, khi bàn luận về Liêm Trinh:
Do tính chất "đào hoa", nên Liêm Trinh rất ưa Văn Xương, Văn Khúc. Bởi vì lúc sao văn tương hội với đào hoa, tính chất đào hoa lập tức biến thành nhân nhã, không chìm đắm trong nhục dục,...
… Nếu không gặp sao văn, mà chỉ hội hợp với các phụ diệu trong Đẩu Số như Thiên Khôi, Thiên Việt, Tả Phụ, Hữu Bật, trái lại sẽ dễ làm tăng tính hay lúng túng khó xử của Liêm Trinh, dẫn đến tiến thoái bất an.
… Lực đề kháng của Liêm Trinh đối với tứ sát Hỏa Tinh, Linh Tinh, Kình Dương, Đà La, rất yếu. Cho nên hễ Liêm Trinh đóng ở cung mệnh thì cần phải không gặp tứ sát, mới nên chuyện. Nhất là ở hai cung Tị hoặc Hợi, gặp tứ sát thì chủ về bôn ba tứ hải; nếu gặp thêm Thiên Hình, Đại Hao, Hóa Kị, càng chủ về …”
Đoạn văn nhắc đến Xương Khúc, Tả Phụ, Khôi Việt, Kình Đà, Hỏa Linh, Hóa Kỵ, sao Thiên Hình. Sao Đại Hao là tạp diệu, tùy vào tình huống mới được nhắc đến.
Tiếp đó, ở trang 137, khi nói về Nữ Mệnh Tham Lang, tác giả viết:
“Nữ mệnh Tham Lang, đặc điểm lớn nhất là có sở thích riêng, đồng thời thích chuyện thần bí... Ở thời hiện đại, có thể thành người làm công việc giao tế, quan hệ công cộng; nhất là khi có Tả Phụ, Hữu Bật, Thiên Khôi, Thiên Việt, Thiên Phúc, Thiên Quan, Thiên Quý hội hợp, nữ mệnh cũng có thể sang quý.”
Đoạn văn nhắc đến các bộ sao Tả Phụ, Khôi Việt, Thiên Phúc, Thiên Quan, Thiên Quý
Chuyển sang phần luận về cung vị, tác giả lại một lần nữa nhắc đến các sao phụ tinh quan trọng ảnh hưởng đến chính tinh. Trang 332, chương 3, tiết 3.3.8., khi bàn về cung Nô Bộc - cung giao hữu, có viết:
“Lấy tính chất của sát tinh để phân biệt. Kình Dương và Đà La đồng độ, thông thường chủ về bị bạn bè hoặc người dưới quyền làm liên lụy; gặp thêm Thiên Hình, chủ về bị hãm hại. Hỏa Tinh và Linh Tinh đồng độ, chủ về có nhiều tranh đoạt; nếu Thiên Cơ Hóa Lộc thì vì tiền mà xảy ra tranh đoạt. Gặp Địa Không, Địa Kiếp, Đại Hao, chủ về vì theo bạn mà phá tài, hoặc vì thay đổi người dưới quyền mà hao tốn tiền bạc, hoặc vì tranh chấp mà phá tán hao tài.
Thiên Cơ Hóa Lộc gặp sát tinh, chủ về vì bạn mà hao tán tiền bạc; có thêm Hóa Kị, Thiên Hình hội hợp, chủ về có tranh chấp, kiện tụng với bạn bè hoặc người dưới quyền.”
Đoạn văn nhắc đến các bộ sao Kình Đà, Hỏa Linh, Không Kiếp, Hóa Lộc, Hóa Kỵ, Thiên Hình. Sao Đại Hao là tạp diệu, tùy vào tình huống mới được nhắc đến.
Sang đến tập 2, trong phần Chính diệu luận, lại một lần nữa Vương Đình Chi đưa ra những tính chất phối kết hợp giữa phụ tá diệu với chính tinh. Tập 2, trang 97 có viết:
“Cho nên người có Thất Sát thủ cung mệnh, có đặc điểm là thiết thực, không nịnh hót, cũng không chần chừ, lần lữa, cẩu thả. Nhưng cũng cần phải phối hợp toàn bộ kết cấu tinh hệ mà định. Nếu Thất Sát hội hợp với các sao quá mạnh mẽ, như gặp Hỏa Tinh, Linh Tinh, thì mệnh tạo sẽ dễ chuốc oán; nếu hội hợp với Địa Không, Địa Kiếp, thì dễ cảm thấy tâm hồn trống rỗng, trong sinh hoạt xã giao cũng ít hợp quần.”
Đoạn văn nhắc đến các bộ sao Hỏa Linh, Không Kiếp.
Tiếp tục, trong tập 2, Chương 4 khi bàn luận về lục thập tinh hệ, tại trang 425 có viết:
“Thiên Đồng không ưa Thiên Mã, Đà La, đều là điềm tượng "ý chí bạc nhược"; dù Thiên Đồng Hóa Lộc hay Hóa Quyền, nhẹ nhất cũng chủ về thiếu nghị lực.
Nếu Thiên Đồng bị hai sao Hỏa Tinh, Linh Tinh kích thích, thì thiếu duyên phận với lục thân; nữ mệnh cần xem xét cung phu thê, để đề phòng sa chân lỡ bước, ôm hận suốt đời.”
Đoạn văn nhắc đến các bộ sao Hóa Lộc, Hóa Quyền, Thiên Mã, Đà La, Hỏa Linh.
Để đưa ra toàn bộ dẫn chứng là rất dài và không cần thiết, bởi nếu bất cứ ai có mong muốn tìm hiểu về bộ môn Tử Vi, khi đọc những tri thức mà Vương Đình Chi trao truyền lại thông qua hai tập của bộ sách, đều sẽ thấy có một mô típ lặp đi lặp lại trong việc nhắc đến các sao phụ tá diệu, và cũng rất ít nhắc đến các sao tạp diệu trong việc phối hợp luận đoán.
Điều này đã phần nào chứng tỏ được việc sử dụng các sao phụ tá diệu, gồm Thiên Khôi, Thiên Việt, Tả Phụ, Hữu Bật, Văn Xương, Văn Khúc, Lộc Tồn, Thiên Mã; các sát tinh Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh, Địa Không, Địa kiếp; các hóa diệu Lộc Quyền Khoa Kỵ là những sao phụ quan trọng và cần được sử dụng trong luận đoán nhiều hơn các sao tạp diệu.
Đồng thời, việc chứng minh phương hướng sử dụng các phụ tá diệu sẽ giúp chúng ta không mắc sai lầm khi vận dụng những sao tạp diệu vào làm yếu tố chính trong lời luận đoán. Đây là một sai lầm dễ mắc phải đối với những người mới tìm hiểu tử vi hoặc chưa hiểu rõ về hệ thống sao trong môn Tử Vi. Ví dụ, có người luôn dùng tạp diệu là Tuần và Triệt với lời luận như: “Quan lộc có triệt thường đứt gánh nửa đường, Mệnh có Triệt thường không tốt, Di có triệt ra ngoài dễ bị người khác hãm hại,...” Đây là những hướng luận giải không phù hợp khi chỉ dựa vào một sao để xét, trong khi đó lại còn dựa vào sao tạp diệu để nhận định.
Trên đây đã cho thấy sự vận dụng về các “sao phụ” trong tam hợp phái. Điều này khó có thể phủ nhận khi những lý luận của danh gia Tử Vi Vương Đình Chi đã được đưa ra rất rõ ràng. Tuy nhiên, để có minh chứng sâu sắc hơn về việc cần phân mức độ quan trọng của các sao phụ tá diệu và tạp diệu, chúng ta sẽ xem xét thêm một số trường phái Tử Vi lớn khác.
Tứ hóa là một trong những trường phái Tử Vi được nhiều người theo đuổi nghiên cứu, thường được mọi người biết đến với hai môn phái lớn là Hà Lạc Phái và Phi Tinh Phái; đồng thời cùng với bộ sách có tựa đề là “Trung Châu Tử Vi Đẩu Số - Tứ Hóa Phái”, cũng do Nguyễn Anh Vũ dịch.
Lật giở phần mục lục, chúng ta thấy ngay sự vận dụng của các sao trong trường phái tử vi này, vẫn là lấy 14 chính tinh làm trọng, kế đó sử dụng các sao Tả Phụ, Hữu Bật, Văn Xương, Văn Khúc, Thiên Khôi, Thiên Việt, Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh, Địa Không Địa Kiếp, Thiên Hình, Thiên Diêu, Thiên Mã, Lộc Tồn, Âm Sát. Đây cũng chính là các sao mà Hà Lạc Phái thường sử dụng.
Với Phi Tinh Phái, ngoài 14 chính tinh, các sao phụ chỉ sử dụng là Văn Xương, Văn Khúc, Tả Phụ, Hữu Bật. (Bởi tập trung vào tứ hóa, nên các sao Xương Khúc Tả Hữu được sử dụng nhằm mục đích phi tứ hóa)
Nhờ vào việc chỉ rõ các sao được vận dụng chính yếu, ta thấy được tầm quan trọng của các phụ-tá-sát-hóa diệu trong quá trình luận đoán. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, khi nhấn mạnh tầm quan trọng của các sao phụ-tá-sát-hóa diệu không có nghĩa là các sao tạp diệu là vô dụng.
Sau khi đã có hệ thống các sao ảnh hưởng quan trọng, càng cần chú ý đến việc tập trung vào luận đoán tính chất của 14 chính tinh, lấy tính tình của các sao chính làm trọng yếu, kế đó mới là mức ảnh hưởng của các sao phụ. Đồng thời, khi hệ thống hóa lại các sao phụ-tá-sát-hóa diệu trong luận đoán sẽ giúp tránh việc dựa trên một sao phụ, một sao tạp diệu hay một nhóm sao phụ, một nhóm sao tạp diệu để luận giải bởi vận dụng như vậy sẽ thiếu khách quan. Có như vậy, bạn mới không rơi vào tình trạng xem “chẻ sao”, không rơi vào tình cảnh dùng một sao phụ để suy đoán cục bộ vấn đề.