Tại Sao Cụ Thiên Lương Coi Trọng Vòng Thái Tuế
18 tháng 9 năm 2024
Mục lục
- Tính chất của vòng Thái Tuế theo trường phái Thiên Lương
- Tại sao giá trị luận đoán của vòng Thái Tuế không còn như ngày xưa?
- Tạm Kết
Trường phái Thiên Lương là một trong những trường phái lý thuyết Tử Vi lớn tại Việt Nam, với phương pháp vận dụng không chỉ với 14 chính tinh mà còn với các sao thuộc vòng Thái Tuế.
Bởi xu hướng trên lá số Tử Vi là hữu hạn (số trường hợp lá số Tử Vi ít hơn so với dân số), nên Tử Vi luôn cần gắn với những quan điểm, phong cách và lối sống hiện đại. Do đó, việc vận dụng vòng Thái Tuế trong bối cảnh hiện đại cũng rất cần được cân nhắc về tính ứng dụng.
Vì vậy, bài viết này sẽ chứng minh vì sao cụ Thiên Lương coi trọng vòng Thái Tuế cũng như những phản biện về tính ứng dụng của hai vòng sao này trong thời hiện đại.
Tính chất của vòng Thái Tuế theo trường phái Thiên Lương
Khi vận dụng vòng Thái Tuế vào để xét các mẫu người, trong cuốn “Tử vi nghiệm lý” của tác giả Thiên Lương (cụ Thiên Lương) có viết “Xã hội nhân sinh có bốn hạng người”. Sử dụng chính vòng Thái Tuế với các tam hợp để chia thành bốn hạng người, gồm:
Thái Tuế - Quan Phù - Bạch Hổ (đọc tắt Tuế Hổ Phù)
Tang Môn - Tuế Phá - Điếu Khách (Tang Tuế Khách)
Thiếu Dương - Tử Phù - Phúc Đức (Dương Tử Phúc)
Thiếu Âm - Long Đức - Trực Phù (Âm Long Trực)
Bốn mẫu người với đặc điểm có phần khác nhau nhưng cũng có điểm giống nhau. Trong đó, cụ Thiên Lương mô tả bốn hạng người này:
Một là, Tuế Hổ Phù là người nghĩ đến phận sự của mình như có trách nhiệm phải làm. Một khi đã nhúng tay là phải làm sao cho xứng đáng tư cách nhân phẩm. Đây là mẫu người có lý tưởng rất lớn trong việc thực thi một nhiệm vụ, sẵn sàng làm mọi cách để có thể hoàn thành những gì được giao phó.
Hai là, Âm Long Trực là người có thiện chí làm việc tiếc rằng phận hẩm duyên hiu, luôn luôn bị đời bạc đãi, dẫu có Khoa, Quyền, Lộc chỉ càng thêm đau đớn. Có thể nói, từ góc nhìn của cụ Thiên Lương, đây là mẫu người chịu nhiều thiệt thòi trong đời, ngoài “thiện chí” thì dễ thấy không có nhiều đặc điểm nổi trội so với các mẫu người khác.
Ba là, Tang Tuế Khách là người bị hoàn cảnh làm cho vụng suy thất ý. Nếu không giữ được chính tâm và thêm Khoa, Quyền, Lộc quyến rũ rất dễ làm những việc bạo nghịch để vinh thân rồi ra ngàn năm lưu xú ô danh. Khá thương cho người Điếu khách ra công thuyết phục phân trần lẽ phải cách mấy cũng không đem lại gì khác hơn tình cảnh hiện tại. Người Tang môn thường thường có khóc mướn thương vay bao nhiêu cũng vẫn là nước chảy ra sông… Cũng dễ thấy, mẫu người này trong xã hội không được nhìn nhận một cách tích cực, dễ bị lợi ích làm lay động, lại dễ rơi vào cảnh bất lợi mà khó có người giúp đỡ.
Bốn là, Dương Tử Phúc là người có được tư chất thiên phú thông minh nhạy cảm hơn đời, đừng tự hào mê ham tục luỵ. Hoàn cảnh này chữ “Đức” đáng trọng bằng ba chữ Tài. Ngẫm ra cuộc đời chỉ là con số “KHÔNG” trống rỗng quá lớn! Cụ Thiên Lương cho rằng mẫu người Dương Tử Phúc có tố chất thông minh thiên bẩm, có tài năng nhưng cần lấy chữ “đức” làm trọng. Chữ “Không” trong câu nói này lấy sao Thiên Không làm chủ (Thiên Không nằm trong tam hợp Dương Tử Phúc), mang ý nghĩa của sự vô minh, dễ bị vô minh che lấp mà dẫn đến có hành động gây ra nghiệp quả.
Tại sao giá trị luận đoán của vòng Thái Tuế không còn như ngày xưa?
Bốn hạng người được mô tả, mặc dù không được mô tả một cách cụ thể, nhưng cũng đã cho thấy tính ứng dụng của vòng Thái Tuế khi xét các mẫu người trong đời có xu hướng chủ quan rất lớn.
Lấy người Tuế Hổ Phù để mà nói, người có lý tưởng và trách nhiệm, trong quan niệm xưa thường là những người có khả năng gánh vác tốt các trọng trách trên vai. Ấy vậy, cụ Thiên Lương mới dùng hai chữ “đáng trọng” để tôn vinh mẫu người này, cũng ngầm ám chỉ rằng, đây là những người có thể giúp ích cho đất nước khi họ có lý tưởng cho đại nghiệp gắn với giang sơn xã tắc. Tuy nhiên, ở góc nhìn hiện đại, bất kì một công dân nào cũng đều cần có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền đất nước, các công dân được giáo dục nhằm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Mặt khác, lý tưởng sống và sống có trách nhiệm là một trong những đức tính cần thiết của con người hiện đại, có chăng, với những người Tuế Hổ Phù mà nói, thì họ có sự kiên trì mạnh mẽ hơn theo đuổi lý tưởng so với người khác. Nhưng về mặt ứng dụng Tử Vi, việc phản ánh một mẫu người có lý tưởng và trách nhiệm không mang lại nhiều giá trị trong luận đoán.
Lấy mẫu người Âm Long Trực để phản biện, cụ Thiên Lương cho rằng đây là mẫu người bị cuộc đời vùi dập, bạc đãi. Khi phân tích, ta thấy góc nhìn của cụ Thiên Lương tương đối bi quan. Lại thấy, trong thời kỳ phong kiến, mẫu người Âm Long Trực có đức tính nhẫn nhịn, không giỏi trong việc đứng lên bảo vệ quyền lợi của bản thân nên thường được cho rằng họ sẽ khó làm được việc lớn. Vì vậy, cụ Thiên Lương không dùng hai từ “đáng trọng” mà dùng hai từ “đáng mến” để nói về mẫu người này.
Câu “Hai hạng này là người trước đáng trọng, người sau đáng mến.” khi nhận xét về mẫu người Tuế Hổ Phù và mẫu người Âm Long Trực đã cho thấy những “thiên kiến” trong quan điểm về phát triển của một cá nhân.
Liệu có thực sự chỉ có mẫu người Tuế Hổ Phù là đáng được kính trọng, có những đức tính cao đẹp như lý tưởng và trách nhiệm?
Liệu có thực sự chỉ có mẫu người Tang Tuế Khách là dễ bị lợi ích trước mắt chi phối để rồi dễ vì những việc bạo nghịch mà vinh thân rồi ra ngàn năm lưu xú ô danh?
Những tính chất “hào nhoáng” mà cụ Thiên Lương dùng cho vòng Tuế Hổ Phù cho thấy sự tôn vinh của cụ với mẫu người này, có lẽ để ví von cũng không khác biệt khi nói một hạng người có thể làm vua, một hàng người chỉ có thể ở phận tôi tớ.
Với những quan điểm có phần thiên kiến, từ góc nhìn tích cực trong xã hội hiện đại, có lẽ, mỗi mẫu người đều có những ưu nhược điểm nhất định, không thể tôn vinh một mẫu người và hạ thấp những mẫu người khác.
Vì vậy, ở quan điểm và lập trường hướng đến sự bình đẳng, những đặc điểm của vòng Thái Tuế trong bối cảnh hiện đại sẽ cần được nghiên cứu, nghiệm lý lại nhằm hạn chế những thiên kiến trong góc nhìn của những người nghiên cứu ở thời đại trước.
Tạm Kết
Sẽ cần góc nhìn mở hơn khi phát triển các lý thuyết liên quan đến vòng Thái Tuế để tránh những thiên kiến nhận thức, những quan điểm lạc hậu, lỗi thời khi nhận định về một cá nhân.