Tìm Hiểu Về Thập Nhị Huyền Đồ Trong Tử Vi
24 tháng 9 năm 2024
Thập nhị huyền đồ ẩn giấu bên trong những bí mật lớn về cuộc đời con người, vẽ nên 12 bức tranh toàn cảnh, hay nói cách khác là những thế cục, số phận mà con người trải qua. Mỗi một huyền đồ lại là một sự bài bố khác nhau giữa các chính diệu, vì vậy, không chỉ cần có cái nhìn bao quát mà còn cần thâm nhập vào từng yếu tố mới có thể hiểu được.
Mục lục
- Hình dạng của thập nhị huyền đồ
- Sự hình thành của thập nhị huyền đồ
- Ý nghĩa của thập nhị huyền đồ
- Ứng dụng ý nghĩa thế trận
- Ứng dụng nghiên cứu lý luận triết học
- Bí mật của thập nhị huyền đồ
- Tạm Kết
Hình dạng của thập nhị huyền đồ
Có thể phân thành 12 huyền đồ - xác định theo 12 vị trí an sao Tử Vi. Việc dùng Tử Vi như một cách phân loại huyền đồ sẽ giúp người mới tìm hiểu dễ nhớ, dễ dùng. Dưới đây là cách bày bố của thập nhị huyền đồ:
Trên thực tế, thập nhị huyền đồ được tóm lại còn 6 bố cục như đã thể hiện ở trên, 6 bố cục còn lại đều được bày bố ngược so với 6 bố cục trên. Sự đảo ngược của huyền đồ là bởi chúng ta luôn có các cung xung chiếu, là sự đối nghịch. Vì vậy, huyền đồ Tử Vi tại Tí và tại Ngọ sẽ giống nhau về bố cục, thế đứng của các sao, chỉ khác vị trí địa chi. Tương tự với các huyền đồ Tử Vi tại Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Sự hình thành của thập nhị huyền đồ
Sự hình thành của thập nhị huyền đồ bắt nguồn từ chính phương pháp an sao của hai vòng Tử Vi và Thiên Phủ. Thiên Phủ được an theo sao Tử Vi thông qua tính chất đối xứng của trục Dần-Thân; đồng thời, các sao thuộc vòng Tử Vi và Thiên Phủ đều có bố cục cố định, chỉ thay đổi khi hai sao chủ thay đổi, vì vậy, thế cục các sao lặp lại đã hình thành nên 12 huyền đồ.
Khi lấy phương pháp an sao làm nền tảng cho sự hình thành của thập nhị huyền đồ, có thể thấy rõ tính lý luận cũng như những bí mật được cất giấu bên trong. Đơn cử, Tử Vi đồng cung với Thiên Phủ sẽ có những đặc điểm khác so với Tử Vi đồng cung Thiên Tướng. Hay Thái Dương sẽ không thể đi cùng với các sao thuộc vòng mà nó đứng như Thiên Cơ, Thiên Đồng, Vũ Khúc,...
Ý nghĩa của thập nhị huyền đồ
Là một trong những nền tảng lý thuyết quan trọng trong môn Tử Vi, thập nhị huyền đồ không chỉ giúp người tìm hiểu bộ môn này có cái nhìn khái quát về số mệnh của con người thông qua 12 thế cục, mà còn cho thấy cái lý của cô nhân khi sắp đặt vị trí của các sao.
Ứng dụng ý nghĩa thế trận
Một số sách vận dụng 12 huyền đồ như một cách bày binh bố trận, ví dụ nói ở thế cục Tử Vi tại Ngọ, Tham Lang ở Tý dễ rơi vào cách Phiếm Thủy Đào Hoa. Cổ nhân viết “Tham ngộ Dương Đà cư Hợi Tý, danh vi phiếm thủy đào hoa”. Vì vậy, thế cục của Tham Lang ở 12 cung sẽ được dùng để đánh giá để xác định các cách cục khác nhau, lại giống như bày binh bố trận, sao này sẽ gây ảnh hưởng đến sao khác khi nó ở vị trí nhất định.
Ứng dụng nghiên cứu lý luận triết học
Triết học trong Tử Vi có thể được thể hiện qua huyền đồ. Ví dụ như ở thế Cự Nhật đồng cung, Thái Dương và Cự Môn cho thấy tính mâu thuẫn, đấu tranh và thống nhất giữa hai mặt đối lập. Thái Dương chủ rõ ràng, Cự Môn chủ mờ ám, nhưng bởi thế cục đứng cùng nhau mà chúng vẫn có thể chung hòa, đấu tranh và chuyển hóa lẫn nhau để thành một thể thống nhất.
Bí mật của thập nhị huyền đồ
Có nhiều phương hướng khai thác tính logic và lý luận trong thập nhị huyền đồ, không chỉ tới từ thế đứng tam phương tứ chính, lục hợp nhị hại của các chính tinh, hoặc các vị trí mối quan hệ giữa thế đứng của chính tinh và vị trí của các cung vị.
Khi phối hợp, nhiều lý thuyết đã vận dụng thiên can, địa chi cũng như phối hợp những kiến thức huyền học từ các bộ môn khác vào để lý luận cùng 12 huyền đồ.
Tạm Kết
Những bí mật sẽ không dừng lại ở đó, khi bộ môn Tử Vi ngày càng phát triển, người nghiên cứu có thể khai phá những tiềm năng mới của thập nhị huyền đồ, xây dựng những lý thuyết mới có tính ứng dụng cao trong bộ môn huyền học này.